Học hỏi nông nghiệp tiết kiệm nước từ văn hóa của Israel
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ về những trải nghiệm ấn tượng trong lần đầu tiên đến thăm Israel và chứng kiến sự phát triển của nền nông nghiệp sa mạc, những chỉ dấu của quốc gia nhỏ về diện dích nhưng lại có những phát kiến vĩ đại.
Nền nông nghiệp trong kỷ nguyên khô hạn
Sáng 10/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội thảo chuyên đề “Kinh nghiệm canh tác trên sa mạc của Israel”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại 43 tỉnh thành, 71 điểm cầu nhằm chia sẻ kinh nghiệm từ Israel trong phát triển nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn mặn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ về những trải nghiệm ấn tượng trong lần đầu tiên đến thăm Israel và chứng kiến sự phát triển của nền nông nghiệp sa mạc, những chỉ dấu của quốc gia nhỏ về diện dích nhưng lại có những phát kiến vĩ đại.
Từ đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, thông qua Hội thảo, ngành nông nghiệp Việt Nam có thể tiếp thu kinh nghiệm từ quốc gia xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ, thiết bị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
“Việt Nam có thời gian tự hào là quốc gia nhiều nước, tuy nhiên trước tình hình biến đổi khí hậu khắc nghiệt, chúng tôi hiện nay cần những giải pháp về công nghệ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thiếu nước. Trong kỷ nguyên khô hạn, thế giới đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nước. Vì vậy, những gì Israel đang làm đã mang lại niềm hy vọng cho các quốc gia trong đó có Việt Nam để biến những điều bất bình thường thành bình thường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Tại Hội thảo, Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer cho biết, Israel đã đối mặt với nhiều vấn đề như hạn hán, khan hiếm nước… tuy nhiên, với quan điểm biến thách thức thành cơ hội với sự hỗ trợ của công nghệ, Israel đã không còn khan hiếm nước và có thể cung cấp nước cho nông nghiệp và các hoạt động khác.
Đại sứ Israel cho biết, để hướng tới đảm bảo sinh kế cho người dân, phát triển nông nghiệp, đất nước này đã phát triển và ứng dụng một số công nghệ lõi như công nghệ tiết kiệm nước, tưới phun sương, tái sử dụng nước, khử mặn nước biển thành nước ngọt và xây dựng cơ sở hạ tầng lưu trữ nước. Đại sứ Mayer cũng cho biết, để thúc đẩy bảo vệ nguồn nước, quốc gia này cũng thúc đẩy chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về tiết kiệm nước.
Kinh nghiệm tạo ra nhiều nguồn nước từ Israel
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Gal Saf, Tham tán Thương mại Israel dẫn số liệu từ Viện Tài nguyên Thế giới cho biết 45% dân số thế giới sẽ sống trong điều kiện thiếu nước ngọt vào năm 2050. Với bối cảnh áp lực nước ngọt như vậy, Israel cũng gặp một số bất lợi về nguồn nước mà nước này phải đối mặt đến từ vị trí địa lý (60% là sa mạc); nhu cầu cung cấp nước lớn phục vụ 9 triệu dân, tưới tiêu cho 200.000ha đất nông nghiệp, đặc biệt trong những đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài.
Để vượt qua hoàn cảnh khó khăn, Israel đã đưa ra chiến dịch “hành động song song” là tạo ra nhiều nước hơn nhờ tái sử dụng, tái chế và khử mặn… Đồng thời dùng ít nước từ nguồn nước có sẵn cho sản xuất nông nghiệp như sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ nhà kính, nhà màng.
Bên cạnh đó, Israel cũng chủ trương tạo ra nhiều “kênh nước” nhờ sự vào cuộc của Chính phủ, từ đó có những quy định về tái sử nước thải đã qua xử lý cho nông nghiệp, nước lợ cho nông nghiệp và công nghiệp, khử mặn nước biển và nước lợ.
Đại sứ Yaron Mayer khẳng định, phía Israel đã hợp tác với Ấn Độ và Việt Nam về các mô hình, công nghệ tưới nhỏ giọt, luân canh. Phía Israel sẽ rất sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam các công nghệ lõi cũng như hỗ trợ tài chính, đầu tư thông qua các công ty công nghệ từ Israel.
Theo Đại sứ Yaron Mayer, phía Việt Nam có nhiều viện nghiên cứu có chuyên môn cao và thông qua chuyến thăm của phái đoàn Israel gồm những công ty hàng đầu về nước, tưới tiêu và nông nghiệp đến thăm các tỉnh thành của Việt Nam, phía Israel sẽ có được bức tranh cụ thể của từng vùng và từ đó có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác cụ thể.
Từ những kinh nghiệm các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ ấn tượng với từ khóa “văn hóa tiết kiệm nước” của người Israel. Bộ trưởng cho rằng, nếu như công nghệ, tài chính là điều kiện đủ thì tinh thần, ý chí, văn hóa tiết kiệm nước là điều kiện cần để Israel đưa đến những công nghệ lõi như công nghệ tưới nhỏ giọt.
Bộ trưởng cho rằng cần phải thay đổi tư duy của nền nông nghiệp đánh đổi, đánh đổi tài nguyên nước, đất, để có được sản lượng cao. Theo đó, bài toán về chi phí cho nền nông nghiệp cần được nhìn nhận lại dù đó là một hành trình không dễ dàng do tập quán canh tác đã hình thành từ lâu đời.
“Cần giúp giúp người dân hiểu được và ý thức rằng nước không còn là tài nguyên hữu hạn và việc khai thác nước quá độ đã gây ra những hậu quả mà chưa có những lời cảnh báo đầy đủ cho vấn đề này”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng đề xuất các bên cùng nghiên cứu để chuẩn bị cho một hội thảo sâu hơn về nông nghiệp tiết kiệm nước, góc nhìn từ Israel và bài học cho Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị phía Israel hỗ trợ ngành nông nghiệp ra những quyết sách thay đổi tiếp cận đối với nền nông nghiệp khan hiếm nước.
Với những lợi thế từ mối quan hệ lịch sử giữa hai nước và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký kết từ năm 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Đại sứ Yaron Mayer trao đổi với Bộ trưởng Nông nghiệp Israel về việc làm mới bản Ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ nông nghiệp từ năm 2016, trong đó đưa vào nội dung hợp tác nông nghiệp trong bối cảnh khan hiếm nước, tưới tiết kiệm…
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị phía Israel tăng cường các chương trình giao lưu, học tập cho thực tập sinh nông nghiệp Việt Nam, để du học sinh được sống và học tập trong môi trường trang trại, HTX tại Israel. Đây sẽ là nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng trong tương lai.
Bộ trưởng cũng đề nghị các chuyên gia từ Israel đưa khái niệm tưới vi mô sang Việt Nam, bắt đầu từ những mô hình nhỏ, đơn giản và mở rộng mô hình từ kết quả ban đầu. Bên cạnh đó, hỗ trợ nội địa hóa các công nghệ tưới của Israel sản xuất tại Việt Nam với giá thành vừa phải để tạo điều kiện cho nông dân Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các công nghệ này.