Nông sản sạch vẫn “kén” khách

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hà Nam hiện có trên 30 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh mặt hàng nông sản sạch, an toàn, trong đó có khoảng chục hợp tác xã sản xuất với quy mô lớn, chủ yếu là mặt hàng rau, củ các loại

Dạo một vòng quanh các cửa hàng, siêu thị có bày bán mặt hàng nông sản sạch không khó để nhận thấy số lượng khách đến mua hàng không đông, chỉ lác đác vài người, tập trung chủ yếu vào đầu giờ sáng và giờ tan tầm. Chủ các cửa hàng cho biết: Đa phần khách đến hỏi mua nông sản sạch là khách “ruột”, đã có thói quen sử dụng thực phẩm sạch cho bữa ăn hằng ngày. Phần lớn trong số đó là công chức, viên chức, gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Rất ít công nhân, lao động tự do, sinh viên vào mua hàng.

Lý giải về điều này, theo chủ các cửa hàng, nguyên nhân là do rau, củ, hoa quả sạch, an toàn có giá bán cao hơn (khoảng 20-40%) so với rau củ bình thường bày bán ở các chợ truyền thống. Giá thành cao, trong khi người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng chất lượng nên vẫn đành lòng bỏ qua hàng nông sản sạch khi đi mua sắm thực phẩm hằng ngày.

Chị Trần Thùy Linh (Thôn 1, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý) cho hay: Tôi thấy hàng nông sản sạch có giá bán khá cao. Trong khi ở chợ truyền thống 1 kg cà chua có giá 20-25.000 đồng/kg thì cà chua sạch có giá 35-40.000 đồng/kg; rau xanh ở chợ có giá bán 5-10.000 đồng/mớ (tùy loại) thì rau sạch phải có giá 10-15.000 đồng/mớ; trứng gà ở chợ chỉ 28-30.000 đồng/chục nhưng giá trứng gà sạch có giá 35.000 đồng/chục; thịt lợn ở chợ chỉ tầm 120-130.000 đồng/kg nhưng giá thịt sạch trong siêu thị phải lên tới trên 200.000 đồng/kg…

Vẫn biết dùng nông sản sạch là giải pháp bảo đảm sức khỏe cho gia đình nhưng do mức chêch lệch giá quá cao nên rất khó cho những gia đình có thu nhập trung bình như tôi. Hơn nữa, cũng không có công cụ gì để kiểm tra xem hàng nông sản bày bán có thực sự là sạch và an toàn không. Vì vậy, tôi vẫn chọn mua rau củ, thực phẩm ở chợ gần nhà vừa rẻ, vừa tiện.

Khách hàng chọn mua hoa quả tại cửa hàng của Hợp tác xã Nông sản sạch Bảo An (Vĩnh Trụ, Lý Nhân).

Chẳng hạn như tại hệ thống cửa hàng của siêu thị Winmart+ trên địa bàn thành phố Phủ Lý, nông sản sạch được bày bán thường xuyên bao gồm rau, củ, quả các loại như: bí xanh, bí đỏ, xà lách, bắp cải, rau ngót, rau cải, mồng tơi, cà chua, rau gia vị, thịt gà, thịt lợn, trứng gà… Tuy nhiên, số lượng mỗi mặt hàng không nhiều, nhất là sản phẩm rau xanh.

Theo chị Nguyễn Thị Trang (quản lý cửa hàng Winmart+ đường Lý Thường Kiệt, thành phố Phủ Lý), lượng rau, củ, quả, thực phẩm sạch, an toàn được phía công ty phân bổ cho các cửa hàng theo ngày. Tùy mức độ tiêu thụ, lượng hàng cung cấp cho mỗi cửa hàng sẽ khác nhau. Tại thị trường Hà Nam, nhiều người dân chưa có thói quen mua sắm hàng tiêu dùng trong siêu thị cũng như chưa quen sử dụng mặt hàng nông sản sạch nên lượng nhập về cũng như lượng bán ra không nhiều.

Vì các mặt hàng nông sản sạch vẫn rất “kén khách” nên trên thực tế đã có không ít cửa hàng kinh doanh loại nông sản này phải đóng cửa sau một thời gian ngắn mở bán. Bà Nguyễn Thị Thơi (phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý) cho biết: Trước đây, gia đình tôi có mở một cửa hàng kinh doanh các mặt hàng nông sản sạch ở khu vực chợ Quy Lưu (phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý) nhưng lượng khách mua hàng rất thưa thớt. Nhiều người vào hỏi giá bán xong thì chê đắt không mua và so sánh với giá bán rau, củ ngoài chợ. Mở bán được gần một năm thì tôi đóng cửa, chuyển hướng sang kinh doanh online để giảm chi phí thuê mặt bằng nhưng lượng hàng bán ra cũng không được nhiều.

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hà Nam hiện có trên 30 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh mặt hàng nông sản sạch, an toàn, trong đó có khoảng chục hợp tác xã sản xuất với quy mô lớn, chủ yếu là mặt hàng rau, củ các loại. Lượng sản phẩm sản xuất ra hiện đang được tiêu thụ tập trung ở hệ thống cửa hàng nông sản sạch, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Một số hợp tác xã sản xuất nông sản sạch trên địa bàn cũng đã mở cửa hàng giới thiệu, bày bán nông sản sạch do đơn vị trực tiếp sản xuất nhưng cũng phải đóng cửa do không bán lẻ được.

Anh Trần Ngọc Hiếu (Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Bảo An, thị trấn Vĩnh Trụ, Lý Nhân) chia sẻ: Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông sản sạch, tôi luôn ấp ủ mong ước có một cửa hàng của riêng mình để bày bán nông sạch do hợp tác xã sản xuất. Hiện thực hóa mong ước đó, cách đây 5 năm, tôi đã mở một cửa hàng nông sản sạch tại trung tâm thị trấn Vĩnh Trụ nhưng thời gian hoạt động của cửa hàng không được bao lâu do sức tiêu thụ chậm, người tiêu dùng trên địa bàn vẫn lựa chọn mua rau củ ở chợ truyền thống để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Năm 2023, tôi lại tiếp tục mở một cửa hàng bán buôn, bán lẻ rau, củ, hoa quả với đa dạng mã hàng hơn, từ rau sạch đến các mặt hàng nông sản bình thường, các sản phẩm đặc trưng của Hà Nam (chuối, rượu, cá kho, bánh đa nem, bún, phở khô, đông trùng hạ thảo…) nhằm đáp ứng nhu cầu nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

Có thể thấy, các cửa hàng cung ứng nông sản sạch, nông sản hữu cơ ra đời đã và đang góp phần giải quyết đầu ra cho các loại nông sản của địa phương, đồng thời giúp người dân làm quen với việc tiêu dùng các sản phẩm an toàn đã được cơ quan chức năng chứng nhận về chất lượng. Tuy nhiên, do giá bán các loại nông sản sạch cao hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường nên phần lớn người dân chưa hào hứng sử dụng.

Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản sạch, an toàn, thời gian tới, Sở Công thương Hà Nam sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị kết nối cung – cầu, tạo sự liên kết giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối để đưa nông sản sạch của Hà Nam vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh. Trước mắt là làm việc với Siêu thị GO! để đưa các sản phẩm rau, củ, quả, hàng tươi sống, hàng có thế mạnh của tỉnh vào bày bán tại GO! Hà Nam khi siêu thị đi vào hoạt động trong thời gian tới.

 Nguyễn Oanh