Huyện trồng khóm lớn nhất cả nước về đích nông thôn mới
Qua 30 năm khai phá đến nay đất đai được khai hoang, kênh mương được mở rộng giúp người dân nhân rộng mô hình sản xuất được hơn 16.000 ha cây khóm, 6000 ha lúa và hàng nghìn ha cây ăn trái khác.
TIỀN GIANG Tân Phước ngày nay đã thực sự chuyển mình, thức giấc bằng một diện mạo hoàn toàn mới với những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội.
Diện mạo mới ở 'vương quốc khóm'
Ngày 27/8, UBND tỉnh Tiền Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Tân Phước và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Huyện Tân Phước từ vùng đất được mệnh danh là “vùng đất chết”, “rốn phèn, rốn lũ” với 54% diện tích tự nhiên bị hoang hóa, kinh tế đúng nghĩa “thuần nông”. Xã hội khi đó có tới 45% hộ nghèo, 5% hộ thường xuyên bị đói, 6,8% dân số không biết chữ, điện thắp sáng chỉ chiếm 27% hộ dân, 94% là nhà ở bán kiên cố và thô sơ. Nước sinh hoạt hợp vệ sinh là vấn đề nan giải, đa số người dân sử dụng nước phèn, lóng tro để ăn, uống, sinh hoạt.
Qua 30 năm khai phá đến nay đất đai được khai hoang, kênh mương được mở rộng giúp người dân nhân rộng mô hình sản xuất được hơn 16.000 ha cây khóm, 6000 ha lúa và hàng nghìn ha cây ăn trái khác.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, cơ cấu kinh tế của Tân Phước chuyển dịch đúng hướng và tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - thương mại và dịch vụ.
Chỉ tính trong giai đoạn 2011-2023, khu vực nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 60% xuống 10%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 59% lên đạt 82%, khu vực thương mại - dịch vụ giảm từ 9,8% xuống 7%. Quy mô giá trị sản xuất đạt 35.000 tỷ đồng, đứng thứ 3/11 huyện, thành, thị.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100%. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,59%. Không còn hộ có nhà tạm, dột nát. Đặc biệt, Tân Phước đã xây dựng được 01 khu công nghiệp và đang kêu gọi đầu tư nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Đạt được kết quả trên nhờ sự quan tâm, đầu tư từ Trung ương, tỉnh Tiền Giang và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, người dân đã làm “thay da, đổi thịt” vùng đất này. Trước hết là hạ tầng nông thôn, chỉ tính riêng từ 2020 - 2025, huyện Tân Phước được đầu tư 162 hạng mục, công trình với tổng nguồn vốn khoảng 500 tỷ đồng. Về giao thông, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nội huyện, kết nối hệ thống đường tỉnh qua địa bàn với tổng chiều dài hơn 1.300km hầu hết được đầu tư trải nhựa hoặc bê tông hóa đáp ứng vận tải hàng hóa lớn. Hệ thống công trình thủy lợi, đê bao, cống đập tiếp tục được hoàn thiện, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, bảo vệ an toàn sản xuất.
Đáng ghi nhận, từ năm 2011 khi huyện triển khai xây dựng chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được sức mạnh tổng hợp, mọi nguồn lực để phát triển hoàn thiện các tiêu chí theo quy định. Đến nay, huyện Tân Phước đã đầu tư được hơn 3.500 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia này. Trong đó Trung ương hỗ trợ 89,5 tỷ đồng, ngân sách tỉnh cấp trên 1.198 tỷ đồng, doanh nghiệp, người dân ủng hộ hơn 864 tỷ đồng. Ngoài ra người dân địa phương còn tự nguyện hiến hơn 81.000m2 đất, 2.800 ngày công để xây dựng nông thôn mới.
Chương trình khai hoang phục hóa 30 năm qua và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là “đòn bẩy” giúp vùng đất thuộc hệ sinh thái Đồng Tháp Mười này vươn lên, chuyển mình mạnh mẽ và phát triển toàn diện. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phước phấn khởi, tự hào và càng quyết tâm hơn nữa trên con đường phát triển, hướng tới mục tiêu phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã tặng bằng khen cho 24 tập thể và 11 cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành và phát triển huyện Tân Phước, 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện xây dựng huyện Tân Phước đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024. UBND huyện Tân Phước tặng nhiều Giấy khen cho các tổ chức, cá nhân.