Kiên định trồng cam hướng hữu cơ người nông dân Nghệ An thắng lớn

Tiếp quản lại trang trại trồng cam đã bị lụi tàn, ông Chất đã kiên trì cải tạo đất, canh tác theo hướng hữu cơ và thu trái ngọt.
Trang trại của ông Lê Công Chất áp dụng canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: Việt Khánh.

Trang trại của ông Lê Công Chất áp dụng canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: Việt Khánh.

Tốn kém trước mắt, lợi ích dài lâu

Ngỏ ý tìm hiểu về mô hình trên địa bàn về cải tạo đất dốc theo phương thức canh tác bền vững, vừa giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lại tăng hiệu quả kinh tế, ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghi Lộc (Nghệ An) khẳng định, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Nghi Văn (HTX Nghi Văn) là điểm sáng.

Người đặt nền móng cho HTX Nghi Văn là Giám đốc Lê Công Chất, vốn nổi danh nhờ có được thành công mỹ mãn từ mô hình trồng cam, bưởi tiêu chuẩn VietGAP theo hướng hữu cơ.

Đáng ngưỡng mộ hơn nữa khi người đàn ông này tiếp cận và áp dụng quy trình mới đúng vào thời điểm nghề trồng cây ăn quả có múi trên địa bàn Nghệ An đang trong giai đoạn thoái trào. Quả thực, dăm năm về trước nghề trồng cây ăn quả có múi ở Nghệ An bắt đầu trượt dốc không phanh. Do thua lỗ triền miên nên người người, nhà nhà chấp nhận từ bỏ cây cam, ngược lại ông Chất lại mạnh bạo nhập cuộc với kinh phí đầu tư tốn kém gấp nhiều lần.

Sau 5 năm kiên trì cải tạo đất, canh tác theo hướng hữu cơ, ông Chất đã thu thành quả hết sức mỹ mãn. Ảnh: Việt Khánh.

Sau 5 năm kiên trì cải tạo đất, canh tác theo hướng hữu cơ, ông Chất đã thu thành quả hết sức mỹ mãn. Ảnh: Việt Khánh.

Đon đả rót nước mời khách, ông Chất kể lại những cột mốc đầy thăng trầm: “Trang trại có tổng quy mô hơn 10ha, trước tôi có đến 3 đời chủ rồi đấy, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên họ phải bỏ bẵng giữa chừng. Đầu năm 2019 tôi mới chính thức tiếp nhận lại, lúc đó chỉ còn sót lại một số diện tích trồng cam nhưng cơ bản đã bỏ hoang hóa từ lâu, thành thử tàn tạ, tiêu điều lắm, ngay cả mô hình trồng rau sạch cũng không thể duy trì. 

Bản thân tôi trước đây chỉ tập trung trong lĩnh vực chăn nuôi, kiến thức về trồng trọt là con số không tròn trĩnh, vì thế khi bước chân tiếp quản lại trang trại cũng trăn trở, đắn đo rất nhiều. Dẫu khó nhưng xác định đã làm phải theo đuổi đến cùng, một mặt tôi thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ, mặt khác ngày đêm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm thực tế, quyết tâm sớm tháo gỡ bài toán khó”.

Từ thực tiễn cây cam bị tàn lụi tại chính những thủ phủ trồng cam có tiếng của tỉnh Nghệ An như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, hay gần đây là Yên Thành, Thanh Chương…, ông Chất đúc kết ra rằng, để thành công không thể áp dụng theo hình thức “ăn xổi”, ngược lại phải chấp nhận đầu tư, phải bồi bổ, cải tạo đất, môi sinh, phải xây dựng theo chuỗi tuần hoàn khép kín, có như thế mới bổ trợ lẫn nhau được.

Nghĩ đi đôi với làm, sau 5 năm áp dụng thuần thục quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, đến nay, Giám đốc HTX Nghi Văn đã tích lũy cho mình vốn kinh nghiệm dày dặn trong canh tác cây ăn quả có múi. 

Ông Chất nuôi cá lóc, sau đó xử lý nước thải ao nuôi để tưới cho vườn cây. Ảnh: Việt Khánh. 

Ông Chất nuôi cá lóc, sau đó xử lý nước thải ao nuôi để tưới cho vườn cây. Ảnh: Việt Khánh. 

Với ông Chất, việc cải tạo đất không đồng nghĩa phải tác động trực tiếp vào đất, đó là quan điểm sai lầm. Trước đây nhiều người “mách nước” cho ông mua bạt phủ để ngăn cỏ dại phát sinh nhưng ông nhất quyết không nghe, bởi áp dụng cách này sẽ làm gia tăng nhiệt độ trong đất, cỏ chết thì vi lượng, vi chất trong đất cũng chết theo, đó không phải là phương án tối ưu.

“Quan điểm của tôi là không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc BVTV ảnh hưởng nhiều đến môi trường xung quanh. Nếu phải dùng thì chỉ dùng những dòng sản phẩm cao cấp, có thương hiệu, đã được kiểm chứng với liều lượng trong ngưỡng cho phép. Mình cùng lúc vừa nuôi bò, nuôi cá và trồng cam, thứ này bổ trợ thứ kia nên muốn làm dối cũng khó”, Giám đốc Lê Công Chất chia sẻ.

Ông Chất say sưa kể, vị trí trang trại nằm ở đầu nguồn, thuận tiện lấy nước trong khe núi chảy ra, nước ấm về mùa đông, mát về mùa hạ, tận dụng lợi thế đó gia đình đã cất công đầu tư, xây hẳn vài bể nuôi cá lóc, vừa tăng gia sản xuất lại tưới hiệu quả cho cây trồng.  

“Nói mô hình '3 trong 1' là có cơ sở cả đấy. Qua kiểm chứng cho thấy độ đạm trong chất thải của cá lóc rất cao, cây cam được bồi bổ đủ dưỡng chất này nên phát triển nhanh, ổn định. Chất thải trong chăn nuôi bò, nuôi cá còn được xử lý, ủ với chế phẩm vi sinh thành phân bón hữu cơ để bón, tưới cho cây ăn quả và cỏ, tạo ra đồng cỏ xanh mướt mắt, là thức ăn chất lượng cho đàn bò thịt. 

Cam của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Nghi Văn được thị trường rất ưa chuộng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cam của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Nghi Văn được thị trường rất ưa chuộng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chưa hết đâu, trang trại chúng tôi còn bổ sung thêm ngô, đậu tương, kết hợp cả tro bếp để bón cho cây ăn quả, mỗi thứ một chút mới hình thành được vườn cam khỏe khoắn đến nhường này. Đành rằng phân hữu cơ hấp thụ chậm hơn phân hóa học nhưng giúp cây bền hơn. Quy trình canh tác theo hướng hữu cơ yêu cầu nhiều bước, khắt khe hơn nên tốn kém hơn trong giai đoạn ban đầu nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu", ông Chất chia sẻ. 

Kiên định theo hướng hữu cơ, chậm mà chắc

Tính ra chi phí đầu tư cho trang trại của ông Chất tốn trên dưới 250 triệu đồng/ha nhưng tiền nào của đó, cam của trang trại bán với giá bình quân khoảng 40.000 đồng/kg, có lúc vọt lên trên 60.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn tranh mua như tôm tươi. Những năm rồi gia đình ông thu ổn định 60 – 70 tấn cam/năm, doanh thu gần 2,4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi chừng 2/3.

Hỏi bí quyết về sự thành công, cho thu nhập cao và ổn định từ cây cam, ông Chất trả lời thật như đếm: “Xét đến khía cạnh kinh doanh, sản xuất nông nghiệp đơn thuần tại khu vực phía Bắc chỉ có trồng cam mới làm giàu được. Thoạt nghe thì dễ nhưng không bở ăn đâu, phải kiên trì áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ kéo dài nhiều năm. Cái gì cũng có cái giá của nó, mình làm thật thì ăn thật, đơn giản thế thôi.

Này nhé, trồng cam đòi hỏi rất nhiều công đoạn, không am hiểu là hỏng ngay. Thời gian đầu có thể phun, ủ để kích thích mầm, nụ, kết hợp ngăn chặn sâu bệnh xâm nhập trong những tháng đầu. Khi cây cam ra hoa đậu quả, xuyên suốt 6 tháng tính từ thời điểm bọc quả tôi quán triệt công nhân không được can thiệp bằng bất kỳ loại thuốc nào, thú thực hiếm có trang trại nào tuân thủ chặt chẽ được như vậy”.  

Chỉ riêng chi phí bọc quả cho trang trại cam của ông Chất đã tốn khoảng 150 triệu đồng. Ảnh: Việt Khánh.

Chỉ riêng chi phí bọc quả cho trang trại cam của ông Chất đã tốn khoảng 150 triệu đồng. Ảnh: Việt Khánh.

Trước sau, Giám đốc HTX Nghi Văn đều quả quyết sẽ kiên định với hướng đi đang chọn lựa, do đó sẽ không tiếc thời gian, tiền bạc để theo đuổi dài lâu con đường sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái.

“Nhiều hộ đầu tư ít có thể mang lại lợi nhuận cao nhưng không bền, với tôi chậm mà chắc. Bao năm qua trang trại của tôi không lo đầu ra, năm nay sản lượng cam dự kiến cao hơn năm trước nhưng vẫn sợ thiếu hàng. Kết quả thu được rất tích cực nhưng trước mắt tôi không đặt nặng mỗi năm thu được bao nhiêu tấn quả, lợi nhuận bao nhiêu mà điều quan trọng là tuổi thọ của cây bền vững đến đâu”, ông Chất chia sẻ quan điểm.

Việt Khánh