Sử dụng chế phẩm vi sinh SUMITRI xử lý rơm rạ
Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học SUMITRI đã giúp nông dân xử lý nhanh rơm rạ tại đồng ruộng, tạo nguồn phân hữu cơ bổ sung dinh dưỡng cho đất, nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa. Theo đó, sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân 2023 - 2024,
Bổ sung chất hữu cơ cho đất
Văn phòng Thường trực tại Nam Bộ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) vừa phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Phương Nam tổ chức hội thảo đánh giá mô hình xử lý rơm rạ thành phân bón ngay tại ruộng bằng phân bón hữu cơ Crowel M+ kết hợp chế phẩm vi sinh SUMITRI. Mô hình được thực hiện trong vụ lúa hè thu 2024 tại Hợp tác xã Nông nghiệp - Nông dân Vĩnh Phú (xã Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) với quy mô 5ha, sử dụng giống lúa OM18.
Vĩnh Phú là vùng đất chuyên canh lúa 2 vụ/năm, nông dân thường gặp khó khăn trong xử lý rơm rạ sau thu hoạch, gây ngộ độc hữu cơ. Hơn nữa, việc đốt rơm rạ để vệ sinh đồng ruộng càng làm suy thoái đất, ảnh hưởng tới năng suất, hiệu quả kinh tế và gây ô nhiễm môi trường.
Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học SUMITRI đã giúp nông dân xử lý nhanh rơm rạ tại đồng ruộng, tạo nguồn phân hữu cơ bổ sung dinh dưỡng cho đất, nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa. Theo đó, sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, nông dân tiến hành xử lý rơm rạ bằng chế phẩm SUMITRI với liều lượng 3kg/ha (giá bán 200.000 đồng/kg). Sau 15 ngày xử lý, rơm rạ đã phân hủy khoảng 70 - 80%, trở thành nguồn hữu cơ bổ sung cho đồng ruộng.
Ông Phạm Xuân Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Phương Nam - đơn vị sản xuất và cung ứng chế phẩm sinh học SUMITRI cho biết, mỗi kg rơm rạ sau khi xử lý sẽ cho ra khoảng 0,6kg phân hữu cơ. Mỗi ha lúa sau khi thu hoạch sẽ để lại khoảng 8 tấn rơm rạ trên đồng ruộng, xử lý sẽ cho ra gần 5 tấn phân hữu cơ bổ sung dinh dưỡng cho đất. Do đó, giúp nông dân giảm được khoảng 30% phân hóa học và giảm 2 - 3 lần phun thuốc BVTV do lúa ít bị sâu bệnh.
Kết quả sản xuất vụ lúa hè thu 2024 đã mang lại niềm vui lớn cho bà con. Tham quan đồng ruộng cho thấy có sự khác biệt rất lớn giữa ruộng có xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học SUMITRI và ruộng không xử lý, cây lúa phát triển mạnh, nở bụi với nhiều chồi hữu hiệu, bông to, chắc hạt và màu vàng sáng, lúa không bị đổ ngã, thuận lợi cho thu hoạch bằng cơ giới.
Ông Dư Văn Kiều, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Nông dân Vĩnh Phú phấn khởi cho biết, năng suất lúa ruộng có xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học SUMITRI đạt 7,2 tấn/ha (lúa tươi thu hoạch bằng máy), ruộng kết hợp thêm phân hữu cơ bón lót đạt 8,5 tấn/ha, ruộng đối chứng đạt 7,2 tấn/ha.
Chi phí sản xuất trong ruộng mô hình lần lượt là 20 và 18,5 triệu/ha nhờ giảm được phân bón hóa học và thuốc BVTV, còn ruộng đối chứng là 22,2 triệu/ha. Giá lúa (giống OM18) thương lái mua tại ruộng 7.700 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ruộng mô hình lần lượt đạt lợi nhuận 40 và gần 47 triệu đồng/ha, trong khi ruộng đối chứng chỉ đạt gần 33,2 triệu đồng/ha.
“Do ứng dụng một số kỹ thuật trong sản xuất lúa nên ruộng trong mô hình đã giảm được giá thành sản xuất, tăng năng suất, giúp lợi nhuận tăng thêm từ 6,8 – 13 triệu đồng/ha, đạt gần 47 triệu đồng/ha, đây là mức cao nhất đối với vụ lúa hè thu mà nông dân nơi đây đạt được”, Giám đốc Dư Văn Kiều phấn khởi.
Đốt rơm là đốt tiền
Ông Nguyễn Văn Kỉa, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp - Nông dân Vĩnh Phú chia sẻ: “Nông dân chúng tôi đã ý thức được việc bán rơm giống như người ta bán máu, còn đốt rơm rạ trên đồng ruộng là đốt tiền. Tuy nhiên, do không có phương thức xử lý hiệu quả nên đành phải đốt chứ xót của lắm”.
Qua một vụ lúa sử dụng chế phẩm sinh học SUMITRI để xử lý nhanh rơm rạ tại đồng ruộng, tạo nguồn phân hữu cơ bổ sung dinh dưỡng cho đất, đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Chi phí sản xuất lúa giảm, năng suất thu hoạch tăng, lợi nhuận đạt cao. Vì vậy ông Kỉa và nhiều thành viên khác cho biết sẵn sàng mua và sử dụng chế phẩm sinh học SUMITRI để xử lý rơm rạ thay cho đốt đồng như trước đây.
Giồng Riềng là huyện thuộc vùng Tây Sông Hậu, có diện tích canh tác lúa gần 47.000ha, được chia thành 3 tiểu vùng. Đất đai ở đây phù sa màu mỡ, nguồn nước ngọt quanh năm, được đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh nên có tiềm năng phát triển thâm canh lúa 3 vụ/năm. Vụ lúa thu đông 2024, Giồng Riềng có kế hoạch gieo sạ 25.000ha nhưng đến nay nông dân đã xuống giống đạt hơn 31.000ha.
Ông Lê Văn Chi, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Giồng Riềng cho biết, diện tích xuống giống lúa thu đông chính là những tiểu vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm của huyện. Do làm lúa 3 vụ/năm nên thời gian giãn cách giữ các vụ ngắn, nông dân gặp áp lực trong xử lý rơm rạ nên thường chọn giải pháp đốt đồng. Tuy nhiên, những tháng mùa mưa nông dân sẽ gặp khó khăn trong xử lý, phải trục vùi trong nước gây ô nhiễm môi trường, rơm rạ phân hủy tự nhiên chậm nên gây ngộ độc hữu cơ cho vụ lúa tiếp theo.
Theo ông Chi, qua thực tế mô hình sử dụng chế phẩm sinh học SUMITRI để xử lý nhanh rơm rạ tại đồng ruộng ở Vĩnh Phú cho thấy đây là giải pháp hiệu quả, hữu ích nên cần nhân rộng, khuyến khích nông dân trong huyện áp dụng.
Huyện Giồng Riềng cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất lúa hữu cơ và có chính sách hỗ trợ để nông dân thực hiện. Ngoài ra, huyện đang tham gia thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 nên rất cần các giải pháp xử lý rơm rạ hiệu quả, giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang Nguyễn Văn Hiển cho rằng, hiện nay ngành nông nghiệp đã chuyển từ sản xuất sang làm kinh tế nông nghiệp và làm nông nghiệp có trách nhiệm. Để thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp, nhà nông cần tham gia liên kết sản xuất thông qua tổ chức nông dân để có diện tích đủ lớn, quy trình đồng nhất, tạo ra lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Do đó, nông dân phải tuân theo quy trình sản xuất đã được khuyến cáo, tham dự các buổi tập huấn kỹ thuật do ngành nông nghiệp, cán bộ khuyến nông tổ chức. Thay đổi những tập quán sản xuất lạc hậu, có hại cho môi trường như đốt đồng hay cày vùi rơm rạ vào trong nước để tự phân hủy. Bà con cần ghi nhật ký sản xuất để hạch toán chi phí, tính toán hiệu quả, lợi nhuận của mỗi vụ.
Một trong những yêu cầu của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là phải đưa rơm rạ ra khỏi đồng ruộng để trồng nấm, làm thức ăn chăn nuôi hoặc phải có giải pháp xử lý hiệu quả bằng vi sinh ngay tại đồng ruộng để làm phân hữu cơ nhưng không gây phát thải khí nhà kính. Do đó, mô hình sử dụng chế phẩm sinh học SUMITRI xử lý nhanh rơm rạ tại ruộng là cách làm mới cần được tập huấn kỹ thuật để nông dân áp dụng hiệu quả.
TS Nguyễn Văn Bắc, Phó Trưởng Văn phòng Thường trực tại Nam bộ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) đánh giá: “Chế phẩm sinh học SUMITRI không chỉ giúp nông dân xử lý nhanh rơm rạ tại đồng ruộng, không gây ô nhiễm môi trường mà còn tạo thành nguồn dinh dưỡng bổ sung cho đất để sản xuất lúa vụ tiếp theo hiệu quả hơn. Vì vậy, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp, khuyến nông cần có chính sách hỗ trợ, tập huấn cho các tổ chức nông dân áp dụng để sản xuất lúa giảm phát thải và bền vững”.