KỸ THUẬT CHĂM SÓC CÂY HỒ TIÊU

Cây tiêu là một trong các loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế khá cao, đặc biệt trên địa bàn khu vực các tỉnh Tây Nguyên, điều này đã góp phần làm tăng nhanh diện tích trồng tiêu trên cả nước.

Cây hồ tiêu (Piper nigrum L): Là loại cây gia vị yêu thích và cổ xưa nhất so với các loại cây gia vị khác, có nguồn gốc từ tán rừng nhiệt đới vùng Tây Ghats tại Ấn Độ. Thuộc loại cây thân thảo, có thể mọc thành bụi hoặc leo bám. Ở nước ta hồ tiêu được trồng nhiều từ những năm cuối của thế kỷ 20 và là cây có giá trị kinh tế cao do vậy diện tích gieo trồng được tăng nhanh qua các năm. Hiện nay, diện tích hồ tiêu của cả nước đã đạt trên 79.000 ha, tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên (51,6%), các tỉnh Đông Nam bộ (39,6%) và một phần ít còn lại là các tình thành khác, (Lê Ngọc Báu, 2015). Năng suất hồ tiêu bình quân của cả nước đạt 2,16 tấn tiêu khô/ha (xếp vào loại cao nhất thế giới), chiếm 30% sản lượng và hơn 50% thị phần xuất khẩu trên thế giới.

Là loại cây có nguồn gốc vùng nhiệt đới do vậy khí hậu, thời tiết nước ta là điều kiện thuận lợi cho cây tiêu phát triển. Mặc dù cây tiêu có khả năng chịu được nhiệt độ thấp (>10°C) và nhiệt độ cao (<40°C), nhưng khoảng nhiệt độ thích hợp nhất là từ 20-32°C, cây tiêu ưa ánh sáng tán xạ và thích môi trường lặng gió. Ngoài điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng thì cây tiêu cũng cần đòi hỏi các điều kiện ngoại cảnh khác như: Ẩm độ tương đối trên 70%, nhiệt độ đất tầng canh tác khoảng 25-28°C, lượng mưa cao, phân bố đều trong mùa mưa (1.500 – 2.500mm) và phải có mùa khô rõ rệt để thuận lợi cho quá trình phân hóa mầm hoa. Những vùng thỏa mãn các điều kiện đã nêu đều có thể trồng tiêu tốt.

Là một trong các loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế khá cao, đặc biệt trên địa bàn khu vực các tỉnh Tây Nguyên, điều này đã góp phần làm tăng nhanh diện tích trồng tiêu trên cả nước. Tuy nhiên, việc tăng nhanh diện tích đã tiềm ẩn những rủi ro và biểu hiện thực tế đó là tình trạng vườn cây ít ổn định, dễ bùng phát các hiện tượng sâu bệnh nguy hiểm như: rụng đọt, đốt ngắn và xoăn lại, tuyến trùng, thối rễ, đen rễ, rễ chậm phát triển, chu kì kinh doanh ngắn, tình trạng ít đồng đều giữa các cây trong vườn và năng suất không ổn định giữa các năm mà nguyên nhân có thể nói là xuất phát từ phân bón và việc bón phân gây nên.

Sau nhiều năm trồng trọt canh tác, bón phân đã làm cho pH của đất giảm mạnh. Quá trình chua hóa đã làm mất cân bằng và giảm đi sự đa dạng dinh dưỡng khoáng cho cây, đồng thời làm giảm hiệu suất sử dụng phân bón và tăng khả năng hòa tan của một số yếu tố gây độc ảnh hưởng tới cây trồng. Không chỉ vậy, quá trình chua hóa còn tạo môi trường thuận lợi làm gia tăng số lượng và mật độ vi sinh vật gây hại vùng rễ, gây thiệt hại năng suất, chất lượng nông sản và tính bền vững trong canh tác.

Từ những thực tiễn trên, để góp phần đảm bảo canh tác bền vững hồ tiêu, các chuyên gia khuyến cáo giải pháp dinh dưỡng bền vững cho cây hồ tiêu gồm: Chất điều hòa pH đất; Dinh dưỡng Tiêu 1; Dinh dưỡng Tiêu 2 giúp cải tạo pH và phục hồi độ phì nhiêu đất, cung cấp cân đối, đầy đủ và đa dạng dinh dưỡng theo nhu cầu của cây, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hô hấp và dinh dưỡng khoáng cho cây.

I. Chăm sóc và bón phân cho cây hồ tiêu
1.1. Chăm sóc cho cây hồ tiêu kiến thiết cơ bản
Chăm sóc Tiêu thời kỳ kiến thiết cơ bản là tiền đề để tạo cơ sở thâm canh, kéo dài chu kỳ kinh doanh và đảm bảo canh tác bền vững.

– Chọn đất trồng tiêu

Cây tiêu có thể trồng trên nhiều loại đất như: đất đỏ bazan, đất phiến thạch, đất cát pha, đất xám bạc màu, đất phù sa cổ, … nhưng điều quan trọng là đất phải có khả năng thoát nước tốt, không bị ngập úng khi mưa và có mực nước ngầm sâu > 1m. Hàm lượng mùn đất yêu cầu cao, đất phải tơi xốp, thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình, đất trung tính (pH từ 6,0-6,5). Do vậy, phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ và chất điều hòa pH đất cần thiết phải được sử dụng đều đặn trong chu kỳ canh tác.

– Làm đất, đào hố và thiết kế lô trồng

– Làm đất: Đất cần được cày bừa kỹ và xử lý mầm bệnh trước khi trồng, với đất chua trước khi bừa lần cuối cần thiết phải khử chua cho đất bằng chất điều hòa pH đất, lượng dùng 1,5-2,0 tấn/ha. Khi trồng mới trên vườn tiêu cũ, cần cày bừa, dọn sạch rễ cây và tàn dư thực vật trong đất, sau đó luân canh với cây họ đậu hoặc các cây ngắn ngày khác ít nhất 1-2 năm trước khi trồng mới.

– Đào hố: Tùy thuộc cách trồng mà kích thước hố đào khác nhau. Nếu trồng đơn kích thước hố đào 30x40x40cm và nếu trồng đôi kích thước hố đào 40x60x40cm, khoảng cách giữa các hố từ 2,0-2,5m x 2,5m (tương ứng mật độ từ 1600-2000 trụ/ha).

Mỗi hố bón 7-10kg phân chuồng hoai mục kết hợp 0,4-0,6 kg phân bón Tiêu 1 + 0,3-0,5 kg phân lân PA (lân trung tính), trộn đều với lớp đất mặt cho vào hố khoảng 20cm. Nên tiến hành đào hố và trộn phân lấp hố trước khi trồng 20-30 ngày. Vườn tiêu trên vùng đất có độ dốc nên đào hố theo đường đồng mức và bố trí hố theo hình nanh sấu.

– Xử lý đất trong hố trước trồng: Sử dụng một trong các loại thuốc như Confidor 100 SL 0,1% pha theo hướng dẫn (tưới 0,5 lít/hố), hoặc Basudin 10H  (rải 20 – 30g/ hố) xử lý trước khi trồng 3-5 ngày để phòng ngừa dịch hại.

– Thiết kế lô trồng: Khoảng 10-15m giữa hai hàng trụ tiêu đào một rãnh thoát nước vuông góc với hướng dốc chính, rãnh sâu 15-20cm, rộng 20cm. Dọc theo hướng dốc chính giữa hai hàng trụ tiêu, khoảng 30-40m đào một mương sâu 30-40cm, rộng 40cm, mương vuông góc với rãnh thoát nước. Việc tiến hành thiết kế hệ thống tiêu nước nên tiến hành cùng lúc trồng trụ tiêu.

– Đặt hom, trồng dặm

– Đặt hom tiêu: Khi đặt hom tiêu vào hố cần chú ý xé bỏ bầu PE, tránh làm vỡ bầu, đặt hom vào hố trồng, sau đó lấp đất và lèn chặt gốc, hom đặt nghiêng 30-45° hướng về phía trụ tiêu.

– Trồng dặm và buộc dây: Sau khi trồng 7-10 ngày, thường xuyên kiểm tra vườn trồng, khi phát hiện có cây chết cần tiến hành trồng dặm ngay (các cây trồng dặm cần được chăm sóc kỹ). Khi dây tiêu phát triển vươn tới trụ nên dùng các loại dây mềm (dây nylon) để buộc dây tiêu vào cây trụ, buộc vào vị trí ở gần đốt của dây tiêu để rễ cây dễ dàng bám vào trụ, sau khi rễ đã bám chặt vào trụ cần cắt bỏ dây buộc.

– Cắt tỉa tạo hình và đôn tiêu

+ Đối với tiêu trồng bằng dây thân

Sau 1 năm trồng, cắt tạo hình cho tiêu bằng cách cắt ngang toàn bộ dây thân trên trụ, cách gốc tiêu 40 – 50 cm. Cắt tạo hình với mục đích vừa lấy hom nhân giống vừa tạo khung thân dây tiêu trên trụ. Cắt dây tiêu vào các ngày khô ráo, không cắt trong thời gian mưa dầm để hạn chế các loại bệnh hại tiêu. Từ chỗ cắt các dây thân chính sẽ mọc lên, giữ lại các dây thân khoẻ mạnh phân bố đều xung quanh trụ làm bộ khung chính, cắt bỏ các mầm dây thân còn lại. Số lượng dây thân để làm bộ khung chính phụ thuộc vào kích thước trụ.

     – Trụ sống : 9 – 12 dây thân/trụ

     – Trụ gỗ hay trụ bê tông : 8 – 10 dây thân/trụ

     – Trụ xây gạch: 20 – 30 dây/trụ gạch.

Khi dây tiêu leo lên hết chiều cao trụ thì hãm ngọn và xén tỉa định kỳ. Nếu không có nhu cầu lấy hom nhân giống thì khi các dây thân ở độ cao 80 – 100cm và có 5 – 6 cành quả/1 dây thân, tiến hành bấm ngọn lần đầu để kích thích sự phát triển thêm dây thân. Bấm ngọn bằng cách cắt bỏ phần ngọn tiêu mang 1 – 2 cành quả. Sau khi bấm ngọn lần đầu nếu trên trụ tiêu vẫn chưa có đủ số dây thân cần thiết của mỗi trụ thì sau khi dây thân mới có từ 3 – 5 cành quả thì tiếp tục bấm ngọn lần thứ hai.

+ Đối với tiêu trồng bằng dây lươn

Tiêu trồng bằng dây lươn cây sẽ cho nhiều dây thân, cắt bỏ các dây yếu, chỉ để lại 3-4 dây khoẻ trên một gốc dây lươn. Sau 10-12 tháng trồng, các dây tiêu đạt kích thước 1,4-1,8m và bắt đầu suất hiện cành mang quả, khi phần lớn các dây trên trụ có cành mang quả cần tiến hành đôn tiêu.

Xới đất quanh trụ tiêu thành rãnh sâu 10-15cm, cách trụ 15-20cm, chọn 3-4 dây tiêu khoẻ, cắt hết những lá phía dưới cành mang quả đầu tiên trừ lại khoảng 30-40cm tính từ cành mang quả xuống, khoanh tròn trong rãnh phần thân đã cắt bỏ lá, lấp một lớp đất mỏng 7-10cm, buộc cành áp vào trụ tiêu và tưới nước, khi thấy rễ nhú ra từ các đốt đôn dưới đất cần lấp thêm đất, vun gốc và bón phân cho tiêu.

Sử dụng Dinh dưỡng khoáng hữu cơ chức năng (Organic Tiêu 1) bón 0,2-0,3 kg/trụ/lần (bón 4 lần mỗi năm)

1.2. Chăm sóc cho cây hồ tiêu kinh doanh
a. Xén tỉa cho tiêu kinh doanh
+ Tỉa bỏ tất cả các dây thân, dây lươn, cành ác mọc phía dưới gốc tiêu cách mặt đất 10 – 15cm.

+ Tỉa bỏ các dây thân mọc ngoài bộ tán tiêu, các dây thân mọc quá dài ở đỉnh trụ.

b. Bón phân cho cây hồ tiêu
Bón phân là việc làm bổ sung dinh dưỡng thiếu hụt mà đất không cung cấp đủ cho nhu cầu của cây. Do vậy, để bón phân hiệu quả cần xác định được khả năng cung cấp của đất và phải biết yêu cầu của cây ở mỗi giai đoạn sinh trưởng, phát triển khác nhau.

Bình quân với năng suất 2 tấn hạt/ha, hàng năm cây tiêu lấy đi từ đất khoảng 70kg đạm (N); 16kg Lân (P2O5); 42kg Kali (K2O); 18kg Magiê (MgO); 67kg Canxi (CaO) cùng các yếu tố trung vi lượng khác như Si; B; Zn; Cu; Mn; Mo… Với nhu cầu dinh dưỡng như vậy, việc bón phân cần phải cung cấp được đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất cho cây ở mỗi giai đoạn sinh trưởng và phát triển, phải đảm bảo trả lại đúng cho đất những gì mà cây trồng lấy đi theo sản phẩm và phần dinh dưỡng giúp cây tích lũy để phát triển sinh khối hàng năm nhằm phát huy tối đa hiệu quả của phân bón.

– Phân hữu cơ

Cây tiêu rất cần phân hữu cơ nhất là khi trồng mới. Khác với nhiều loại cây lâu năm khác, vườn tiêu cần được bón phân hữu cơ hàng năm (lượng bón 10-20 kg/trụ). Phân hữu cơ không những cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng mà còn có tác dụng làm đất tơi xốp, tăng khả năng giữ ẩm giữ phân của đất, làm cho đất thông thoáng, cung cấp nguồn năng lượng cho vi sinh vật hoạt động, tăng tính đệm cho đất, giảm thiểu tác hại do biến động về thời tiết, hạn hán và bón phân không cân đối gây ra. Các loại phân hữu cơ cần được ủ cùng Chất điều hòa pH đất và các chủng vi sinh hữu ích cho hoai mục mới nên bón cho hồ tiêu.

– Dinh dưỡng khoáng hữu cơ chức năng (Organic Tiêu 1)

Organic Tiêu 1  là loại dinh dưỡng chuyên dùng cho cây hồ tiêu đảm bảo cung cấp đầy đủ, cân đối dinh dưỡng đa, trung và vi lượng thiết yếu giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt giai đoạn hồi phục cây, phân hóa mầm hoa, ra hoa và đậu quả. Đặc biệt, các nguồn hữu cơ có chức năng kiểm soát sinh lý cây trồng và hoạt động vi sinh vật đất nhờ vậy có thể kiểm soát tốt cây trồng giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng, biểu hiện ở tính năng ra rễ cực mạnh, phục hồi rễ hư, cành lá xanh tốt, mầm hoa nhiều.

Lượng bón và thời điểm bón

+ Bón lần 1: Sau khi thu hoạch 1-2 tháng, khi lượng mưa đủ ẩm đất sử dụng Dinh dưỡng chức năng Tiêu 1 bón từ 0,4-0,5 kg/trụ giúp tăng khả năng hồi phục cây sau thu hoạch và thúc đẩy quá trình phân hóa mầm hoa.

+ Bón lần 2: Sau bón lần 1 từ 40-50 ngày (khoảng T6-T7) tiếp tục sử dụng Dinh dưỡng chức năng Tiêu 1 bón với lượng 0,5 kg/trụ đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho cây giúp cây phát triển mạnh ra hoa tập trung, dài hoa và hạn chế số lượng mầm ngủ ngày.

– Dinh dưỡng chức năng (NPKSi-Tiêu 2)

Dinh dưỡng chức năng Tiêu 2 là loại dinh dưỡng chuyên dùng cho cây hồ tiêu, được sản xuất từ các dạng nguyên liệu chức năng thích hợp và cân đối dinh dưỡng cho hồ tiêu phát triển bền vững. Dinh dưỡng chức năng Tiêu 2 giúp cành lá phát triển cân đối, đồng đều, hiệu suất quang hợp cao; Tăng tỷ lệ đậu trái, hạn chế rụng trái; Trái lớn nhanh, lớn đồng đều, chín tập trung, chắc nhân và chống hiện tượng răng cưa; Tăng khả năng chống chịu điều kiện bất thuận và giúp năng suất ổn định qua nhiều năm.

+ Bón lần 3: Sau khi bón phân lần 2 từ 30-45 ngày (khoảng T8-T9) hoa đã trỗ đều và bắt đầu làm hạt sử dụng loại Dinh dưỡng chức năng Tiêu 2 bón từ 0,2-0,3/trụ nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cây, giúp cây phát triển khỏe mạnh, trái lớn đồng đều và giảm mạnh tiêu răng cưa.

+ Bón lần 4: Sau khi bón đợt 3 từ 35-50 ngày (khoảng T10-T11), để có thể cung cấp đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng giúp cây phát triển cành nhánh mạnh cho năm sau và chống chịu nắng hạn giúp trái chín đồng đều đạt trọng lượng hạt tiến hành bón phân đợt 4, sử dụng loại Dinh dưỡng chức năng Tiêu 2 với lượng bón 0,2-0,3 kg/trụ.

Như vậy, theo quy trình bón mỗi năm ngoài việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trung lượng, vi lượng cần thiết và cân đối cho cây hồ tiêu, thì lượng dinh dưỡng đạm (N), lân (P2O5), kali (K2O) cung cấp cho mỗi trụ đạt: đạm (N = 110-150g), lân (P2O5= 90-110g), kali (K2O = 120-160g) đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây để đạt năng suất hạt 4-6 kg/trụ.

Ngoài phân bón gốc, việc bổ sung phân bón lá cũng rất cần thiết để hồ tiêu đậu nhiều trái, năng suất cao. Mỗi năm phun phân bón lá cho tiêu 2 – 3 lần, phun trong mùa mưa, chọn ngày mát trời không nắng gắt. Khi phun chú ý dùng đúng liều lượng được ghi trên bao bì của nhà sản xuất. Nếu liều lượng quá cao sẽ có hiện tượng cháy lá, rụng quả, rụng gié. Nên dùng các loại phân có chứa vi lượng Zn, Bo để làm tăng tỷ lệ đậu quả, giảm rụng chùm quả (gié).

II. Dịch hại và biện pháp phòng trừ trên cây hồ tiêu
Phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện dịch hại ở giai đoạn sớm và phòng trừ kịp thời. Cần áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ tổng hợp để phòng trừ dịch hại có hiệu quả và bền vững.

Một số dịch hại chính trên cây hồ tiêu:

2.1. Bệnh chết nhanh
– Tác nhân và triệu chứng

Bệnh do nấm Phytophthora capsici gây ra. Nấm xâm nhập và phá huỷ các tế bào ở rễ, thân, cành, lá của cây tiêu làm cho lá héo, teo tóp lại rồi rụng. Khi cây bị hại thân lá có triệu chứng héo rũ nhanh, gốc, rễ và phần thân gần mặt đất bị thối, từ khi bệnh xuất hiện đến khi cây tiêu chết hoàn toàn khoảng vài tuần lễ.

– Biện pháp phòng trừ

Chọn giống ít nhiễm bệnh, không để vườn tiêu bị úng nước, vườn tiêu phải có rãnh thoát nước tốt trong mùa mưa. Vệ sinh vườn sạch sẽ, thông thoáng. Bón phân cân đối, tăng cường bón phân chuồng ủ với nấm Trichoderma hoặc bón phân hữu cơ vi sinh. Tránh gây vết thương cho gốc và rễ tiêu khi bón phân, chăm sóc. Khi phát hiện trong vườn có cây bị bệnh, sử dụng dung dịch Bordeaux 1%, Oxyclorua đồng 0,2-0,3%, Phosphorous acid 0,15%, Fosetyl Aluminium 0,1-0,2% để tưới vào gốc và phun xịt lên thân lá.

Dọn sạch cây chết do bệnh và tàn dư thân lá bệnh gom đem chôn hoặc đốt để hạn chế bệnh lây lan.

2.2. Bệnh vàng lá chết chậm
– Tác nhân và triệu chứng:

Bệnh gây nên do sự phối hợp của tuyến trùng, rệp sáp và các nấm Fusarium sp., Rhizoctonia sp., Pythium sp., P. Capsici. Khi tuyến trùng, rệp sáp đục vết thương ở rễ để chích hút sẽ tạo điều kiện cho các loại nấm trên xâm nhập qua vết thương hủy hoại bộ rễ cây tiêu. Biểu hiện ban đầu là cây sinh trưởng chậm, lá chuyển sang màu vàng. Bệnh hại nặng làm cho lá, hoa, quả rụng dần từ dưới gốc lên ngọn, gốc và rễ bị thối. Cây không hút đủ nước và chất dinh dưỡng nên cây sinh trưởng chậm và chết dần. Từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi cây tiêu chết có thể kéo dài một vài năm.

– Biện pháp phòng trừ

Trồng các giống ít nhiễm tuyến trùng (Vĩnh Linh, tiêu Trung, Ấn Độ), tăng cường bón phân chuồng, phân hữu cơ hoai mục. Khi thấy có triệu chứng bệnh xuất hiện, cần theo dõi và xác định tác nhân chính gây bệnh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật Cytokinin pha nồng độ 0,1-0,2% tưới quanh gốc, rải Ethoprophos 10-15g/gốc trộn đều với đất để phòng trừ tuyến trùng, sử dụng Thiophanate-Methyl nồng độ 0,1% phun đều lên cây, Benomyl 17% + Zineb 53% với nồng độ 0,15% phun đều lên cây và tưới vào gốc (2-3 lít/gốc) để phòng trừ nấm bệnh.

2.3. Bệnh thán thư
– Tác nhân và triệu chứng

Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra, bệnh tấn công cả cành, lá và gié. Lá bị bệnh có những vết vằn lớn màu vàng nâu, xung quanh vết vằn có quầng đen, đốm bệnh tròn hoặc không đều, kích thước 4-6 cm. Khi bệnh lây sang cành, gié sẽ gây rụng đốt cành, gié, làm hạt khô đen và lép. Bệnh phát triển mạnh trong vườn cây nóng ẩm, chăm sóc kém, bón phân không cân đối, tưới nước không đều về mùa khô.

– Biện pháp phòng trừ

Bón đủ phân hữu cơ, bón cân đối phân vô cơ và phân vi lượng, thường xuyên vệ sinh vườn, cắt tỉa và thu dọn cành lá bị bệnh. Khi phát hiện bệnh, sử dụng dung dịch Bordeaux 1% hoặc Carbendazim pha với nồng độ 0,15% phun đều lên cây.

2.4. Bệnh virus (bệnh tiêu điên)
– Tác nhân và triệu chứng

Bệnh do virus gây ra, biểu hiện bệnh khá rõ khi cây tiêu được 1-2 năm tuổi trở đi. Bệnh lây lan theo nguồn hom giống, dụng cụ dao, kéo cắt hom và cắt tỉa, một số trường hợp bệnh lay lan do côn trùng chích hút như bọ xít, rầy mềm và rệp sáp.

Sáu nhóm triệu chứng bệnh virus trên cây tiêu, bao gồm đốm hoa lá, vàng lá gân xanh, vàng lá, đốm vàng nhạt, lá nhỏ biến dạng và khảm xanh, trong đó đốm hoa lá thường gặp nhất. Bệnh xuất hiện ở các lá non, bệnh làm cây cằn cỗi, chậm phát triển, giảm năng suất, khi bệnh nặng cây sẽ chết.

– Biện pháp phòng trừ

Không lấy hom giống từ những vườn tiêu bị bệnh, khử trùng dao kéo khi cắt hom và tỉa cành bằng các loại thuốc sát trùng. Nhổ cây bị bệnh nặng, gom lại đem chôn hoặc đốt để hạn chế sự lây lan. Khi phát hiện côn trùng môi giới truyền bệnh nên dùng Fenobucarb pha với nồng độ 0,1-0,2% phun xịt để tiêu diệt.

2.5. Rệp sáp (Pseudococcus spp.)

– Đặc điểm nhận dạng

Rệp sáp có kích thước nhỏ, cơ thể dài 2,5-3,0mm, rộng 1,8-2,0mm, hình ovan tròn. Cơ thể màu nâu nhạt, phủ một lớp bột sáp màu trắng nhưng vẫn nhìn thấy ngấn ngang theo đốt cơ thể, xung quanh cơ thể có nhiều cặp tua sáp trắng, cuối bụng có 2-4 cặp tua sáp dài hơn so với những tua sáp còn lại.

– Tập quán gây hại

Rệp sống thành từng đám bám chặt ở cổ rễ và các rễ chính, chích hút nhựa cây, rệp còn gây hại ở gié hoa, trái, nách lá hoặc mặt dưới của lá, làm cho lá, gié hoa và trái bị héo khô. Trên thân, lá nơi rệp gây hại thường xuất hiện nấm bồ hóng. Rệp sinh sản nhanh và phát triển mạnh vào cuối mùa mưa.

– Biện pháp phòng trừ

Thường xuyên theo dõi vùng rễ gần gốc và trên cây tiêu, nhất là vào cuối mùa mưa và trong mùa khô. Khi phát hiện rệp ở vùng rễ tiêu, xới đất xung quanh trụ tiêu sâu 5cm, làm đất tơi và phá bỏ tổ đất khô cứng quanh trụ tiêu, rải các loại thuốc dạng hạt như Diazinon (Basudin 10H, 10-12 g/gốc) sau đó lấp phủ đất lại. Dùng vòi nước phun rửa bột rệp sáp và bồ hóng trên thân lá, sau đó phun Methidathion pha với nồng độ 0,1% hoặc Carbaryl nồng độ 0,2%.

2.6. Rệp sáp giả vằn (Ferrisia virgata Ckll.)

– Đặc điểm nhận dạng

Cơ thể có hình ovan dài 4-5mm, rộng 3,0-3,5mm, cơ thể màu vàng nhạt hoặc nâu nhạt, phủ một lớp bột sáp trắng, xung quanh cơ thể không có tua sáp, cuối bụng có một cặp tua sáp dài.

– Tập quán gây hại

Rệp sáp giả vằn chích hút nhựa chủ yếu trên lá, đọt non và trên chùm hạt.

– Biện pháp phòng trừ: tương tự như trường hợp rệp sáp.

2.7. Bọ xít lưới (Elasmognathus nepalensis Dist.)

– Đặc điểm nhận dạng

Thành trùng là một loài bọ xít nhỏ màu đen, kích thước cơ thể dài 5-7mm, ngực trước phát triển rộng ra hai bên, tạo với trục cơ thể thành hình chữ thập. Ấu trùng bọ xít lưới không có cánh và trải qua năm lần lột xác.

– Tập quán gây hại

Cả ấu trùng và thành trùng đều chích hút dinh dưỡng trên gié hoa, gié quả và cành non. Vết chích có màu xám sau chuyển dần sang màu nâu. Khi bị bọ xít gây hại nặng, cả gié hoa, chùm quả non có màu nâu vàng, làm rụng hoa và quả non.

– Biện pháp phòng trừ

Khi phát hiện bọ xít gây hại, dùng Thiamethoxam pha với nồng độ 0,015% hoặc Cartap nồng độ 0,15-0,2% phun đều lên cây.

III. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản tiêu
3.1. Thu hoạch và tách hạt

Mùa vụ thu hoạch thay đổi theo vùng, tháng 1-3 ở Đông Nam bộ và Phú Quốc, tháng 2-4 ở Tây Nguyên, tháng 3-5 ở Nam Trung Bộ và tháng 5-7 ở Bắc Trung bộ.

Không thu hoạch khi quả tiêu còn xanh, thời điểm thu hoạch tốt nhất để làm tiêu đen khi chùm tiêu có trên 5% quả chín có màu vàng hoặc đỏ và để làm tiêu trắng khi trên 20% quả chín.

Khi thu hái xong có thể phơi ngay để làm tiêu đen hoặc ủ 1-2 ngày trong mát cho tiêu tiếp tục chín để làm tiêu sọ, thường xuyên trộn đều trong quá trình ủ để quả chín đều, tách hạt ra khỏi chùm quả sau khi phơi ½ -1 nắng.

Dùng máy tuốt hạt để tách hạt tiêu ra khỏi chùm quả, lượng tiêu thu hoạch ít hoặc không có máy có thể tách hạt thủ công. Trong quá trình tách hạt tránh làm các hạt tiêu bị xây xát vỏ và vỡ, gié và cuống hạt phải được tách riêng khỏi hạt. Máy tuốt hạt phải được vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi sử dụng.

3.2. Sơ chế tiêu đen

Để giảm mức độ tạp nhiễm và tiêu đen thương phẩm có màu đẹp, trước khi phơi nên nhúng tiêu vào nước nóng 80-90oC trong vòng 1-2 phút, trộn đều sau đó lấy ra để trong mát cho ráo nước rồi đem phơi. Thay vì nhúng tiêu vào nước nóng, khi tiêu phơi được một nắng, khoảng 3-4 giờ chiều gom tiêu thành đống và dùng bạt tủ kín qua đêm, nhiệt độ trong đống tiêu có thể đạt 60-70 oC.

Phơi tiêu trên nong tre, bạt ni-lông hoặc sân xi măng, dụng cụ phơi và sân cần được rửa sạch trước mỗi đợt phơi, dùng lưới ni-lông bao quanh khu vực phơi để tránh thú vật vào khu phơi. Nếu trời nắng tốt phơi 3-4 ngày là đạt, độ ẩm của hạt sau khi phơi khô phải đảm bảo dưới 13%, sản phẩm sau khi phơi gọi là tiêu đen. Có thể dùng máy sấy lúa, sấy bắp, sấy cà-phê để sấy tiêu, giữ nhiệt độ ổn định trong buồng sấy khoảng 55-60 oC, vệ sinh buồng sấy sạch sẽ trước mỗi đợt sấy.

Sau khi phơi khô, tiêu cần được làm sạch tạp chất (đất, đá, cành lá, cuống và chùm quả) bằng cách sàng, quạt, thổi để thu được tiêu đen khô trước khi đưa vào bảo quản và tiêu thụ.

3.3 Sơ chế tiêu trắng

Muốn làm tiêu trắng (tiêu sọ) từ tiêu tươi, tiêu phải được thu họach khi chùm tiêu có khỏang 20% quả chín, cho vào bao PP hoặc bao bố ngâm trong nước sạch 2-3 ngày, vớt tiêu ra chà xát vỏ bằng máy hoặc thủ công và đải sạch vỏ, 4kg tiêu tươi có thể làm được 1kg tiêu sọ. Có thể làm tiêu sọ từ tiêu khô bằng cách cho tiêu vào bao đem ngâm trong nước lã 8-10 ngày trong bồn xi-măng hoặc nhựa, thường xuyên thay nước, đến khi vỏ tiêu mềm thì vớt ra, cho vào máy xát và rửa sạch vỏ, sau đó đem sấy hoặc phơi.

3.4. Bảo quản

Hạt tiêu đưa vào bảo quản phải khô, đạt độ ẩm 12-13% và sạch tạp chất. Bảo quản tiêu bằng bao hai lớp, lớp trong là bao ni-lông (PE) để chống ẩm mốc, lớp ngoài là bao PP hoặc bao bố, bao dùng đựng tiêu phải là bao mới hoàn toàn. Tiêu được đưa vào chất trên kệ hoặc pa-lét trong kho khô ráo và thông thoáng. Kho bảo quản tiêu không được chứa hóa chất, phân bón và các sản phẩm khác, cách ly với gia súc, chuột bọ và sâu bệnh. Thường xuyên kiểm tra kho để phát hiện và xử lý các biểu hiện không bình thường.