Tôm khô Hợp tác xã Hiểu Phát dai ngọt tự nhiên
Tôm khô của Hợp tác xã Hiểu Phát được làm từ tôm thẻ thiên nhiên, nuôi theo mô hình xen canh tôm - lúa hoặc các vùng chuyên tôm nuôi quảng canh cải tiến.
Kinh tế tập thể tại huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) đang phát triển đa dạng trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát (xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận).
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát (HTX Hiểu Phát) được thành lập tháng 10/2019. Đây là một trong những HTX hình thành, phát triển từ phong trào khởi nghiệp của phụ nữ nông thôn huyện Vĩnh Thuận. Qua hơn 4 năm phát triển, HTX đã có phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm đạt chất lượng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nhiều sản phẩm của HTX đã trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện Vĩnh Thuận, trong đó 05 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Chị Lê Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX Hiểu Phát cho biết khi mới thành lập, HTX có 8 thành viên, đến nay đã tăng lên 12 thành viên chính thức. Những ngày đầu thành lập, HTX chế biến tôm khô từ nguồn tôm thẻ tự nhiên tại địa phương, thị trường ban đầu còn nhỏ lẻ, chưa có nhiều khách hàng, trong khi đó thị trường tôm khô đã có rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh có tiếng trong và ngoài tỉnh.
Nhưng với những nỗ lực của tập thể HTX, qua quá trình kiện toàn, cơ cấu lại nhân sự, thay đổi một số quy trình, kế hoạch tiếp cận thị trường, đến nay HTX đã có nhiều kênh phân phối, đại lý, hệ thống bán sỉ và lẻ, cộng tác viên bán hàng…
Theo chị Thoa, sản phẩm tôm khô ở các tỉnh như Cà Mau, Trà Vinh hiện nay đã nổi tiếng cả nước, đa dạng về mẫu mã, cách thức chế biến... Vì vậy sản phẩm tôm khô của HTX rất khó cạnh trạnh trên thị trường, bên cạnh đó dòng tôm khô là thẻ chân trắng lại ít được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy để phát huy tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm, HTX luôn trăn trở vận dụng những cách làm truyền thống kết hợp với thị hiếu của người tiêu dùng theo hướng sản phẩm vừa an toàn, vừa tiện lợi. Đồng thời, tận dụng nguồn nguyên liệu và lực lượng lao động tại địa phương để sản phẩm làm ra với giá thành thấp, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.
Nét đặc trưng sản phẩm tôm khô của HTX Hiểu Phát là không phơi dưới ánh nắng trực tiếp như cách làm truyền thống mà sẽ kết hợp giữa phơi nắng và sấy khô để có thành phẩm nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng cũng như mùi vị, màu sắc đặc trưng của tôm khô. Tôm khô Hiểu Phát được làm từ tôm thẻ thiên nhiên, nuôi theo mô hình xen canh tôm - lúa hoặc các vùng chuyên tôm nuôi quảng canh cải tiến. Sản phẩm tôm khô của HTX dai, vị ngọt tự nhiên, mang theo mùi hương của than củi trong quá trình sấy, đó là một nét đặc trưng của tôm khô Hiểu Phát.
Sản phẩm của HTX Hiểu Phát ra đời gắn với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận, xuất phát từ mô hình độc canh cây lúa sang 1 vụ lúa, 1 vụ tôm; tôm xen lúa và những vùng chuyên tôm được hình thành, nhất là các sản phẩm chế biến như tôm khô, mắm tôm, mắm cá lóc, khô cá kèo, khô cá lóc... Năm 2023, HTX Hiểu Phát đã tiêu thụ giúp người dân 150 tấn tôm thẻ, 5 tấn cá lóc, 5 tấn cá kèo phục vụ chế biến. Tổng doanh thu của HTX năm 2023 đạt 4 tỉ đồng, lợi nhuận trên 450 triệu đồng.
Qua quá trình vừa sản xuất vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình chế biến, HTX Hiểu Phát đã chọn cho mình hướng đi riêng. Sản phẩm của HTX không đơn thuần là sản phẩm kinh doanh, là mô hình từ phong trào khởi nghiệp mà còn là sự kết hợp các nguồn nguyên liệu tại địa phương với mong muốn tạo ra sự cân bằng sinh thái khi giá trị con tôm ngày càng được người dân chú trọng, giúp người dân quan tâm, đầu tư thả nuôi một số loài cá thuần, thúc đẩy nghề làm mắm lóc truyền thống của địa phương...
Thời gian qua, HTX Hiểu Phát đã có cơ hội tham gia xúc tiến thương mại tại các thị trường Hà Nội, Huế, Đà nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ… Đến nay, HTX là đơn vị duy nhất của huyện Vĩnh Thuận có sản phẩm đạt OCOP 3 sao (tôm khô, mắm tôm, mắm lóc, khô cá lóc, khô cá kèo) và danh dự được công nhận là sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021.