Hà Tĩnh khởi động sản xuất vụ đông
Nhận định vụ đông 2024 khả năng chịu ảnh hưởng mưa lũ đầu vụ và rét đậm, rét hại cuối vụ, Hà Tĩnh chủ động, linh hoạt bố trí thời vụ để né thiên tai.
Khoai lang "bở ăn", nông dân mở rộng diện tích
Những năm gần đây, sản xuất vụ đông được nhiều địa phương tại Hà Tĩnh chú trọng bằng các hình thức luân canh, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi sang một số cây trồng cho giá trị cao.
Trên cánh đồng ở Tổ dân phố Xuân Hải (thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà) những ngày này, nông dân đang xuống đồng xuống giống vụ đông sớm với cây trồng chủ lực là khoai lang. Ngoài sử dụng trâu bò, người dân còn thuê máy ép luống để làm đất, giúp đẩy nhanh tiến độ sản xuất.
Sau mấy ngày mưa, bà Trần Thị Tâm đã gấp rút ra xứ đồng của Tổ dân phố Xuân Hải làm đất, xuống giống khoai lang. Bà Tâm cho biết: “Nhờ có những đợt mưa cuối tháng 8 vừa rồi nên đất có độ ẩm nên hiện nay chúng tôi đang tranh thủ thời gian, thuê máy ép luống nhằm đẩy nhanh tiến độ cho kịp thời vụ. Trước kia không có máy thì 8 sào khoai này phải mất gần 1 tuần mới trồng xong nhưng năm nay nhờ có máy làm đất, ép luống nên không chỉ rút ngắn được thời gian mà nông dân cũng đỡ vất vả".
Cách đó không xa, không khí sản xuất vụ đông tại thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) cũng náo nhiệt không kém. Năm nay, người dân vùng này chủ yếu xuống giống khoai lang Hoàng Long ruột vàng vì giống khoai này cho củ ngon, thị trường tiêu thụ rất tốt.
Nhanh tay trồng những ngọn khoai giống xuống các luống được lên sẵn, bà Phan Thị Lan ở thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc cho hay: Giống khoai lang Hoàng Long cho năng suất cao, củ có ruột vàng, ngọt, bở và thơm ngon. Vụ đông năm ngoái thu hoạch xong, thương lái về tận ruộng mua với giá giao động từ 15 - 17 ngàn đồng/kg.
"Vụ hè thu vừa rồi gia đình tôi làm 3 sào, chủ yếu để lấy ngọn giống trồng vụ đông nhưng năng suất củ cũng khá, bán giá 17 - 20 ngàn đồng/kg. Vụ đông này, tôi mở rộng diện tích lên 6 sào", bà Lan cho hay.
“Nói chung làm khoai “bở ăn” hơn trồng lúa, trồng lạc nên mấy năm nay nông dân ở đây trồng khoai nhiều lắm. Ngoài nguồn thu khoảng 6 triệu/sào từ bán củ, nông dân còn chủ động được thức ăn cho trâu bò từ rau khoai. Nhiều gia đình còn bán ngọn khoai giống cho các vùng khác kiếm tiền triệu mỗi sào nữa. Tính ra, hiệu quả kinh tế gấp đôi trồng lạc”, bà Lan vui vẻ cho biết thêm.
Mấy năm gần đây, người dân xã Thịnh Lộc đã chuyển đổi những diện tích đất ruộng cao cạn sang trồng khoai lang theo hướng hàng hóa, cho thu nhập cao hơn trồng những loại cây màu khác. Đa phần giống khoai trồng ở vùng đất này là khoai lang Hoàng Long vì cho củ nhiều, củ to vừa, đẹp, vỏ có màu hồng sẫm, ruột đỏ vàng, thơm ngon.
Ông Nguyễn Khắc Phong - Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: Theo kế hoạch, vụ đông năm 2024, xã Thịnh Lộc có kế hoạch sản xuất khoảng 140ha cây rau màu, trong đó khoai lang chiếm diện tích trên 70ha, tăng thêm 10ha so với vụ đông năm ngoái, tập trung chủ yếu ở thôn Nam Sơn với diện tích trên 40ha. Diện tích tăng là do khoai lang dễ trồng, không tốn công chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt giống khoai lang Hoàng Long rất phù hợp với chất đất cát pha thịt nhẹ tại đại phương, có chất lượng củ thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng, thị trường tiêu thụ rộng mở.
“Để giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây vụ đông, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về các kỹ thuật, cách xuống giống, chăm sóc, cải tạo đất, đồng thời có kế hoạch mở rộng diện tích hàng năm, quảng bá sản phẩm, hướng tới sản xuất theo hướng hữu cơ”, ông Phong cho biết thêm.
Chủ động né mưa lũ đầu vụ
Xem vụ đông là vụ sản xuất chính, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời điểm này, nhiều địa phương trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung triển khai chỉ đạo sản xuất. Tại vùng chuyên canh sản xuất rau ở thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc), người dân đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để vừa làm đất gieo trỉa, trồng các loại rau ăn lá như rau diếp, xà lách, su hào, súp lơ, cải các loại…
Ông Đinh Văn Quang ở thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc cho biết: “Vụ đông này gia đình tôi làm 5 sào rau các loại. Đầu vụ đông năm nay thời tiết thuận lợi nên triển khai sớm hơn. Từ đầu tháng 9, bà con đã gieo hạt sản xuất cây rau giống. Hiện bà con đang tập trung làm đất, lên luống và triển khai trồng các loại rau ăn lá. Nếu thuận lợi thì khoảng 1 tháng nữa là diện tích mới trồng đã có thể thu hoạch".
Ông Phan Cao Kỳ - Trưởng phòng NN-PTNT Can Lộc cho biết: Vụ đông năm nay, Can Lộc có kế hoạch sản xuất hơn 1.000ha các loại cây trồng. Trong đó 800ha sản xuất rau các loại, năng suất dự kiến 65 tạ/ha, sản lượng 5.200 tấn. Ngay đầu vụ sản xuất, huyện đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân. Để tạo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm cây vụ đông, huyện tập trung chỉ đạo bà con hình thành các vùng sản xuất tập trung.
Theo Chi cục Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, toàn tỉnh triển khai sản xuất vụ đông từ ngày 31/8/2023. Theo đó, tỉnh xác định quan điểm chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo sản xuất, nhất là thời vụ nhằm né thiên tai, bão lũ, đa dạng các loại cây trồng, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo nguồn thức ăn, phòng chống đói rét cho vật nuôi trong mùa đông.
Toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 12.603ha cây vụ đông (tương đương diện tích vụ đông năm 2023). Trong đó khoảng 4.851ha ngô lấy hạt, 1.443ha ngô sinh khối, 4.907ha rau các loại, 1.402ha cây khoai lang.
Ông Nguyễn Trí Hà – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: “Qua nắm bắt thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, chúng tôi nhận định vụ đông 2024 khả năng chịu ảnh hưởng của mưa lũ đầu vụ và rét đậm, rét hại cuối vụ. Vì vậy, bà con nông dân các địa phương cần chủ động, linh hoạt bố trí thời vụ và cơ cấu cây trồng để né thiên tai, hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả sản xuất vụ đông.
Theo đó, cây ngô sinh khối và ngô lấy hạt được gieo trồng tập trung tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ để phục vụ chăn nuôi, đồng thời cung cấp nguyên liệu cho công ty bò sữa Vinamik.
Các địa phương như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Nghi Xuân... khuyến khích sản xuất ngô nếp thu bắp tươi bằng các hình thức trồng thuần hoặc trồng xen. Cây khoai lang cơ cấu trên các vùng cao của đất 2 lúa, đất cát pha thịt nhẹ ở các huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên… Rau - củ - quả các loại thì bố trí tập trung trên đất chuyên canh rau, đất 2 lúa, đất vườn ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã trên toàn tỉnh.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đều đã khởi động sản xuất vụ đông 2024. Toàn tỉnh phấn đấu từ tháng 9 đến tháng 12 sẽ gieo trồng liên tục rau – củ - quả các loại và kết thúc gieo trồng ngô sinh khối trước ngày 30/10, ngô lấy hạt trước 10/12, khoai lang trước ngày 30/10.
Nguyễn Hoàn